Nhận biết và cách phòng trị 13 loại bệnh hoa lan phổ biến
- Người viết: Tuong Luong Nguyen Kien
- Tin tức
Phong lan là 1 loài cây đẹp với nhiều sắc thái, hình dáng khác nhau. Trồng hoa lan khá đơn giản, nhưng thực sự để có 1 cây lan tốt thì đòi hỏi người chơi phải đầu tư và nghiên cứu. Jack và Hoa Lan Long An có sưu tầm bài viết về các loại bệnh lan thường gặp để chia sẻ với mọi người. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích trong việc phòng tránh các bệnh về lan để chúng ta có những cây lan thật khỏe và đẹp nhé.
A. Bệnh hoa lan do vi khuẩn
1. Bệnh thối nâu vi khuẩn
Trước khi đi đến nguyên nhân bị bệnh thối nâu thì bạn cần phân biệt rõ bệnh thối nâu và bệnh khô đầu lá khác nhau như nào. Với bệnh khô đầu lá thì đầu lá cây lan bị quăn lại và không còn tế bào sống nữa, còn thối nâu thì vẫn còn tế bào sống ở đầu lá, có màu nâu đen, mềm và vàng xung quanh lá. Bệnh thối nâu phần lớn nguyên nhân là bởi chịu tác động của loại vi khuẩn Erwinia carotovora gây ra.
Bên cạnh đó, bệnh hoa lan đốm nâu còn có những chấm nhỏ màu thâm xám, sau đó chấm nâu xám đó sẽ dần thối đi, gọi là đốm nâu. Khi những vết này lan rộng ra thì cây sẽ bị khô lá dần. Tệ hơn, không chỉ bệnh hại cả lá mà còn làm cho các bộ phận như thân, mầm và làm các bộ phận xung quanh khác bị thối và kèm theo mùi khó chịu. Chủ yếu bệnh hại nặng trên giống lan như Oncidium và một số giống lan khác.
Bạn có thể sử dụng biện pháp phòng trừ bệnh thối nâu khiến lan bị vàng lá như: cắt bỏ phần thối rồi nhúng cây vào nước thuốc Natripene hay Physan 20, bạn pha với tỷ lệ 1:2000 hoặc bạn có thể lấy vôi bôi vào vết cắt. Chú ý là bạn nên ngừng tưới nước 1-2 ngày và biết cách trồng hoa lan, cách chăm sóc đúng kỹ thuật để lan hạn chế bị bệnh.
2. Bệnh thối mềm vi khuẩn
Bệnh thối mềm ở lan là do vi khuẩn Pseudonoas Gladioli gây ra. Lá cây lan khi bị bệnh thì dấu hiệu đầu tiên là xuất hiện các đốm mọng nước, hướng về phía ánh sáng và các đốm bệnh có dạng trong suốt.
Trong điều kiện thích hợp, các đốm bệnh này phát triển rất nhanh và lan rộng. Khi nhiễm bệnh 1-2 ngày thì mỗi ngày lan sang 2-3cm, 3 ngày sau thì lan rộng ra với tốc độ nhanh chóng là 4-6cm/ngày. Do đó, đối với các cây lan non không có sức chống chịu thì rất dễ bị chết.
Đối với các cây lan trưởng thành khi có tác động cơ giới như tưới nước, bón phân hay vận chuyển. Lá hoa lan rất dễ bị rách và lúc đó sẽ giải phóng ra một lượng lớn dịch chứa vi khuẩn. Gây nên sự xâm nhiễm sang các cây lan khoẻ mạnh khác, do đó mà tạo thành đợt lây nhiễm lan bị thối lá lần thứ hai và làm tăng tốc độ phát tán. Vì vậy, khi trồng lan bạn không nên đặt quá sát nhau, cần giữ khoảng cách hợp lý. Ngoài ra, bạn bón vừa đủ đạm cung cấp đủ ánh sáng cho lan và làm tăng sức đề kháng cho cây.
Hợn nữa là bạn cần tăng cường thông gió và giảm ẩm, sau khi tưới nước không để đọng nước quá nhiều trên lá và làm sạch cỏ đều đặn trong vườn lan. Khi lan xảy ra bệnh thối lá bạn cần mua và phun thuốc kháng sinh kịp thời. Công thức chuẩn cho lan là 1g Streptomicin + 1g Tetracyclin hòa trong 1,5 lít nước.
B. 3.Bệnh của hoa lan do virus
Khi lan bị virus thì gần như virus hủy hoại thể diệp lục trong tế bào của lan, làm tế bào mất xanh, gây trở ngại cho quá trình đồng hóa của tế bào, khiến tổ chức tế bào trong lan bị úa vàng và hoại tử. Hơn nữa là khi virus hoa lan ký sinh trong tế bào và sinh trưởng theo cách tự bản của chúng. Do đó, khi cây nhiễm bệnh sẽ không có loại thuốc đặc trị hoặc tiêu diệt virus hoàn toàn.
Khi cây lan của bạn bị virus tấn công, lan sẽ có những biểu hiện như: hoa, lá biến màu, có vân, đốm khô hoặc đốm vòng hoại tử, hình thù dị dạng. Chủ yếu bệnh xuất hiện trên phiến lá, tuy nhiên các phần phát bệnh hay hình thái đốm bệnh và mức độ biểu hiện còn phải tùy thuộc vào loại virus. Hơn nữa là phụ thuộc loại hoa nhiễm bệnh, thời kỳ sinh trưởng còn non hay đã trưởng thành và nhiệt độ môi trường xung quanh như thế nào.
Cách để bạn ngăn ngừa bệnh hoa lan gây nên bởi virus là bạn cần ngâm tất cả cây con vào thuốc kháng virus trong 2 tiếng. Đối với các dụng cụ sử dụng như dao thì bạn cần ngâm trong Formalin hơn 2 tiếng, hoặc dùng lửa hơ qua vài giây để khử độc, tiêu diệt vi khuẩn có hại.
Sau khi đem đi trồng, mỗi lần tưới nước bạn đều phải pha loãng dung dịch thuốc kháng virus để tưới. Bạn tưới đều đặn mỗi tháng tưới 1 lần, qua 2 năm sau nếu không có triệu chứng bệnh virus nào diễn ra thì bạn mới có thể chăm sóc như những cây khỏe.
C. Bệnh trên hoa lan do nấm
4. Bệnh đen thân cây con
Bệnh đen thân cây con ở lan thường gặp vào mùa mưa và ở những vườn cây có độ ẩm cao hoặc tưới nước quá nhiều. Bệnh thối đen thường gây thiệt hại nghiêm trọng bởi phần lớn là do bón phân hoà tan không hết. Do đó, khi tưới cho cây lâu ngày sẽ đọng lại các lượng nấm bệnh dễ gây hại. Nguyên nhân khiến lan bị bệnh đen thân phần lớn do nấm Fusarium oxysporum tấn công.
Dấu hiệu của bệnh là ở gốc thân hoặc cổ rễ có màu nâu, sau đó lớn dần làm khô tóp đoạn thân gần gốc và cổ rễ, thân gốc chuyển sang màu đen. Bên cạnh đó, các lá phía trên chuyển sang màu vàng và khiến lan phi điệp bị xoăn lá, có hình thù dị dạng. Đối với các cây con thì chúng thường chết sau 2-3 tuần bị nhiễm bệnh.
Vì vậy trước khi trồng cây và chăm sóc, bạn nên tách cây bị bệnh ra riêng và sử dụng thuốc ngừa cho những cây còn lại. Bằng cách là bạn phun hoặc nhúng cả cây vào dung dịch thuốc trị nấm.
Khi cây bị bệnh đang ở giai đoạn trưởng thành thì bạn cắt bỏ đi phần bị thối, nếu thối đọt thì rút bỏ đọt và phun thuốc nấm vào. Để cắt bỏ phần bị bệnh của cây, bạn dùng một mảnh khăn bằng vải sạch bao quanh khu vực lây nhiễm để đánh dấu chính xác vị trí. Sau đó, kiểm tra thận trọng từ trước ra sau rồi mới cắt.
Ngoài ra, trên thị trường hiện nay có các thuốc diệt nấm để điều trị như: Aliette 80 WP, Kasumin, TopsinM, CuzateM8, Score, super Tilt,… theo nồng độ khuyến cáo trên bao bì.
5. Bệnh đốm lá
Bệnh đốm lá là một trong những bệnh hại phổ biến trên phong lan, bệnh gây nên bởi loại nấm có tên Cercospora sp. Bệnh thường gặp trên các giống lan như Dendrobium, Mokara, Oncidium…Khi gặp thời tiết thuận lợi hoặc thiếu dinh dưỡng, bệnh gây hại này có tốc độ lây lan rất nhanh, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và ra hoa của cây.
Khi xảy ra bệnh thì bệnh có dấu hiệu phân bố đều cả hai mặt lá, triệu chứng ban đầu là những chấm tròn có màu nâu xám hay vàng nâu, xung quanh vết bệnh có quầng vàng. Ở phía dưới mặt lá có những đốm đen nhỏ li ti khác. Hơn nữa khi cây bị bệnh nặng lá có màu vàng và rất dễ bị rụng, từ đó gây nên chết cây.
Khi thấy hiện tượng bệnh hoa lan đốm lá thì điều đầu tiên bạn cần làm đó là phải dọn vệ sinh vườn tược. Bạn thu gom toàn bộ tàn dư thực vật còn sót lại trong vườn và đem ra xa để chôn hoặc đốt. Đặc biệt, cách phòng bệnh tốt nhất là bạn phun thuốc phòng ngay từ khi cây còn nhỏ, cây chưa xuất hiện triệu chứng bệnh nào.
Đối với cây bị bệnh nhẹ thì bạn cắt tỉa phần vết bệnh trên lá sau đó bôi thuốc trị nấm. Ngoài ra, khi phun thuốc trị bệnh bạn phải phun đều hai mặt lá và khoảng 1 giờ kể từ khi phun bạn phải bổ sung phân bón lá hoặc phân vi lượng. Khi thật cần thiết bạn có thể sử dụng một trong các loại thuốc bảo vệ thực vật như: Rydomyl Gold 68 WP, Dipomate 80 WP, Carbenzim 500 FL, hỗn hợp Carbenzim với Dipomate…
6. Bệnh đốm gỉ cánh hoa
Đây là một loại bệnh xuất hiện rất phổ biến trên mọi cây trồng chứ không riêng gì trên hoa lan. Nếu như bạn không phát hiện và xử lý kịp thời thì bệnh đốm gỉ ở lan có thể khiến cho cây rụng lá, kiệt sức và suy giảm năng suất. Không những vậy bệnh hoa lan còn khiến cho cây mất giá trị thẩm mĩ, suy giảm sức sống hoặc nặng hơn có thể là chết cây.
Nguyên nhân chính chủ yếu gây bệnh là do trong không khí, các bào tử nấm lan truyền từ tàn dư cây bệnh còn sót lại, cộng với nhiệt độ thích hợp và độ ẩm cao khiến cho chúng phát triển nhanh chóng. Từ đó lan nhanh ra cả vườn lan và sẽ khó trị hơn rất nhiều.
Trong đó, bệnh rỉ sắt là do nấm gây nên, chính vì thế với những loại thuốc trị nấm cho lan bạn đều có thể sử dụng. Một số loại thuốc có thể dùng để chữa bệnh có thể kể đến như: Copper-Zinc 85WP, Copper-B 75WP, Vizincop 50BTN, Anvil,…Tuy nhiên hiện nay, trong các loại thuốc trị bệnh rỉ sắt cho lan thì 2 loại thuốc sử dụng hiệu quả nhất và phổ biến nhất đó chính là Topsin M và Anvil 5SC.
7. Bệnh thối đen ngọn
Bệnh thối đen là loại bệnh thường gặp trên các loại lan. Trong đó, bệnh xuất hiện nhiều trên các giống lan đa thân như địa lan, dendro, vũ nữ, cattleya,… Khác với bệnh thối nhũn thì bệnh thối đen không có mùi thối khó chịu.
Nguyên nhân gây bệnh được xác định là do 2 loài nấm Phytophthora và Pythium gây ra, đây đều là nấm thủy sinh nên khi độ ẩm không khí cao hoặc độ ẩm giá thể cao vào mùa mưa hoặc tưới đọng nước qua đêm. Nấm sẽ sinh sôi nảy nở liên tục và xâm nhập hại cây lan của bạn thông qua các vết xước trên cây.
Bệnh thối đen có thể gây hại mọi độ tuổi khác nhau của cây, từ khi cây còn non cho đến khi cây đã trưởng thành và ra hoa. Hơn nữa là bệnh cũng gây hại trên tất cả các bộ phận của cây phong lan, từ thân lá rễ đến cả nụ hoa, nhưng phổ biến nhất vẫn là ở trên lá.
Trên lá, ban đầu vết bệnh là những vết đốm nhỏ, nhũn, hơi mọng nước có màu xanh tái. Sau đó các vết bệnh lan rộng dần và nhanh chóng, chuyển sang màu đen. Về sau đó, bạn có thể thấy được những khuẩn ty màu trắng nhỏ trên các vết bệnh, nếu cây bị bệnh nặng thì bệnh có thể làm cho lan bị xoăn lá và dễ rụng sớm.
Khi phát hiện ra bệnh thì bạn cần cắt xéo phần giả hành bị bệnh khoảng 3cm, sau đó bạn bôi keo liền sẹo vào vết cắt. Cuối cùng là bạn để khô và tiến hành phun thuốc trừ nấm bệnh để xử lí bệnh, hiện nay có 2 loại thuốc thường dùng là Ridomil Gold và Antracol. Ngoài ra, bạn cần chú ý không bón các loại bón phân tan chậm hoặc phân giàu đạm và khi cây bị bệnh, bạn nên ngưng tưới 2 cho đến 3 ngày.
8. Bệnh thối hạch
Bệnh thối hạch ở hoa lan là do nấm Sclerotinia sclerotiorum gây ra. Thông thường thì bệnh tấn công đầu tiên ở phần chồi ngọn và cổ rễ. Sau đó bệnh phát triển rộng dần ra, từ đó làm cho lá đọt bị vàng, rồi bị thối và chuyển dần thành màu nâu đen và khô đi. Do đó, dần dần bệnh làm cho rễ cây bị khô mục trông thiếu sức sống.
Nếu gặp phải điều kiện nóng ẩm (nhiệt độ và ẩm độ không khí cao) thì trên vết bệnh hoa lan sẽ xuất hiện những tán nấm màu trắng xốp như bông gòn và những hạch nấm màu trắng nhỏ li ti. Cuối cùng, chúng sẽ chuyển dần thành màu vàng nâu, kích thước khoảng 0,5 – 1,0 mm và nhìn trông giống như những hạt cải.
Vì vậy, một trong những cách để phòng bệnh hoa lan là bạn thu dọn sạch tàn dư cây bệnh đem đốt hoặc tiêu hủy. Cày lật đất sâu để vùi lấp hạch nấm nhằm ngưng mọi sự phát triển. Bởi vì khi ở độ sâu 20cm thì hạch nấm dễ chết hoặc khó nảy nầm. Hơn nữa. do nấm có phạm vi ký chủ rộng nên cần áp dụng biện pháp luân canh với cây trồng mới để cách lý ký chủ.
9. Bệnh đốm vòng cánh hoa
Bệnh đốm vòng hay còn được gọi là bệnh đốm vòng hoại tử, đây là loại bệnh thường gặp nhất trên cây lan. Khi cây mang bệnh thì trên phiến lá của cây sẽ xuất hiện đốm vàng hóa hoại tử hay chấm bị hoại tử. Sau đó dẫn đến cả cây bị khô héo, có cây nhỏ và thấp còi.
Nguyên nhân gây bệnh hoa lan đốm vòng là do vi khuẩn Alternaria Ap gây ra. Khi quan sát bạn sẽ thấy cây bị bệnh có những vết bệnh nhỏ màu đen hơi lõm, hình tròn có vân đồn ở tâm. Bệnh đốm vòng gây hại nụ hoa, cuống hoa, đài hoa, cánh hoa. Vì vậy, làm mất đi vẻ đẹp của hoa và khiến hoa bị rụng sớm. Bệnh thường hại nặng trên giống lan Dendrobium.
Do vậy, để hạn chế sự tấn công của bệnh đốm vàng thì bạn cần thăm vườn thường xuyên hàng ngày, bón phân hợp lý đúng liều lượng cho phép nhằm tăng sự phát triển của cây và chống lại bệnh hại. Bên cạnh đó, khi tách cây hay khi thay chậu, bạn nên tránh làm tổn thương trên các phiến lá để ngăn chặn truyền bệnh do cọ xát khi thay chậu và truyền qua nhựa cây.
10. Bệnh đốm nâu
Vết bệnh hoa lan đốm nâu ban đầu là một chấm nhỏ màu nâu, hơi lồi, về sau lan rộng thành đốm lớn màu nâu nhạt. Bệnh làm hoa mất giá trị. Bệnh do nấm Curvularia eragotidis gây ra. Trong thời gian ủ bệnh thì nó sẽ khiến thân, lá hoặc các cuống bị thâm đen. Từ đó làm cho cây bị thối và ngừng phát triển, nếu như gặp môi trường ẩm ướt thì sẽ càng tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh tấn công hoa lan.
Nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết có độ ẩm không khí cao thấp thất thường, hoa lan thường xuyên không được đáp ứng kịp thời các yếu tố dinh dưỡng. Đặc biệt đối với những vườn cây thiếu chất dinh dưỡng và chăm sóc kém khiến bệnh gây hại nặng, lá dễ bị vàng và dễ rụng.
Cách phòng ngứa bệnh đốm nâu là bạn cần dọn vệ sinh vườn tược đều đăn mỗi tháng. Phun thuốc phòng bệnh khi cây còn nhỏ, để tránh các tác nhân gây hại khác khiến cây dễ chết. Khi phun thuốc trị bệnh phải phun đều hai mặt lá và ngay sau đó phải bổ sung thêm các loại phân phù hợp với loại cây.
D. Bệnh hoa lan do côn trùng
11. Bọ trĩ hoa lan
Giống như rệp, bọ trĩ ăn trong nụ và hoa lan bằng cách sử dụng miệng của chúng để xuyên qua các bề mặt của các mô thực vật và hút nước ép từ lá, thân và hoa. Do đó, hoa và nụ lâu ngày trở thành màu nâu sậm, và cánh hoa của chúng bị sẹo hoặc đổi màu.
Ngoài ra, chúng thường ẩn nấp trong các lá non, trong các gốc cây lan, hay ẩn náu dưới lớp vỏ của gỗ giá thể trồng lan,…Bởi vì bọ trĩ không ưa ánh sáng, khi trời trở nên râm mát chúng mới bò ra ngoài.
Mặc dù loài này sẽ không làm chết cây lan nhưng sẽ khiến cây sinh trưởng và phát triển kém. Do đó mà cây ra hoa kém, cây dễ bị bệnh thối nâu, bệnh thối đen, thối nhũn, đốm đen do lúc này nấm và vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập từ các vết giũa hút và từ đó gây bệnh cho cây.
Do đó, để phòng ngừa bệnh hoa lan thì khi tưới cây thì bạn dùng vòi nước mạnh tưới lên cây, tuy nhiên bạn tránh tưới mạnh vào lúc cây đang nở hoa. Trong đó, bạn có thể áp dụng kỹ thuật tưới phun trên tán vào mùa khô. Việc kết hợp tưới nước sẽ giúp hạn chế dịch hại cho vườn lan của bạn.
Bên cạnh đó, bạn cần xử lý giá thể trồng lan thật kỹ, các loại giá thể có lớp vỏ tốt nhất là bạn nên bóc bỏ lớp vỏ này đi, nó sẽ làm giá thể lâu mục hơn và đỡ là nơi ẩn nấp cho sâu hại và côn trùng gây hại.
12. Nhện đỏ
Một bệnh hoa lan khác gây nên là bởi nhện đỏ, đây là loài côn trùng gây bệnh rất phổ biến trên cây. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy nhện đỏ có ở mặt dưới lá cây hoặc trên đọt non của cây, bởi chúng rất thích làm tổ và trú ẩn ở đây.
Cả nhện con và nhện trường thành đều rất thích ăn biểu bì và hút chích mô dịch của lá cây khi lá bước vào giai đoạn bánh tẻ trở đi. Chính vì vậy, mà lá hoa lan dần mất đi màu xanh, chuyển sang màu vàng với những dấu vết loang lổ là những chấm vàng rất dễ nhận biết trên bề mặt lá.
Bên dưới mặt lá là nơi nhện đỏ dùng để làm tổ và trú ẩn sẽ thấy những vệt lấm tấm như bụi cám, dùng kính lúp soi kỹ bạn sẽ thấy nhện bám dày đặc, còn có lớp tơ mỏng.
Để phòng ngừa sự tấn công của nhện đỏ ở các cây lan, trước tiên bạn chú ý không nên trồng hoặc đặt các chậu quá sát nhau. Bạn nên đặt ở một khoảng cách nhất định để tạo độ thông thoáng và tránh cây lây nhiễm chéo cho nhau. Ngoài ra, bạn cũng nên thường xuyên kiểm tra bộ lá của cây, đặc biệt là vào giai đoạn bánh tẻ trở đi để kịp thời phát hiện sớm, việc diệt trừ kịp thời cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn khi bệnh đã lan rộng.
13. Rệp hoa lan (Jack thì thấy là ốc nhưng bài viết đang để là Rệp nên mình tôn trọng quyền tác giả mình cứ để là rệp nhé mọi người)
Tất cả các loài rệp này đều có đặc điểm chung là cơ thể tiết ra một lớp sáp giúp bảo vệ cho cơ thể, khả năng sinh sản chúng cũng khá cao, có những loài đẻ trứng, có loài đẻ con. Nếu gặp điều kiện môi trường thích hợp chúng có khả năng bộc phát nhanh hơn.
Rệp hoa lan chủ yếu gây hại bằng cách chích hút ở lá, giả hành, nụ hoa, cuống hoa và cả thân cây. Nếu như cây lan bị nhiễm rệp nặng thì lá có dấu hiệu bị vàng, rụng, giả hành bị khô, teo tóp lại và dẫn đến chết cây. Trong quá trình tạo nụ thì rệp sẽ tấn công nụ làm cho những bông hoa bị dị dạng, trở nên thiếu sức sống.
Để phòng chống rệp hiệu quả, bạn cần phải thăm vườn thường xuyên để theo dõi, quan sát cây lan trong vườn. Đặc biệt là ở các kẽ lá, trong nụ hoa, mặt trên và cả mặt dưới lá... Có như vậy bạn mới phát hiện sớm rệp tấn công và có những phương pháp điều trị kịp thời.
E. Hướng dẫn cách phòng bệnh hoa lan
Việc phòng trừ bệnh cho lan là vô cùng cần thiết, bởi nó ngăn chặn và hạn chế rất lớn sự xâm nhập của bệnh hoa lan, hơn nữa là giảm thiệt hại do bệnh gây lên cho lan. Vì vậy, Rosava sẽ gợi ý cho bạn một số cách để phòng bệnh cho vườn lan như sau:
- Khi thiết kế vườn trồng lan thì bạn cần giữ cho giàn lan luôn được thông thoáng. Tạo không gian thoáng đãng chính là hạn chế cho dịch bệnh hại lây lan và phát triển.
- Phân hữu cơ chính là nguồn dinh dưỡng giúp cây phát triển tốt và ra hoa đều đặn. Vì thế, trong mùa nắng là thời gian ngủ nghỉ của cây thì bạn nên chú ý bổ sung nguồn dinh dưỡng hữu cơ. Từ đó giúp cây hấp thụ tích lũy từ từ tạo đà phát triển tăng vọt trong mùa mưa.
- Sau khi bạn mua lan về thì bắt buộc bạn phải xử lý giống thật cẩn thận. Bạn nên ngâm lan của bạn trong dung dịch Physan 20 liều 1ml pha 1 lít nước để diệt nấm khuẩn trong khoảng 10 - 15 phút.
- Xử lý giá thể quyết định sự thành bại của vườn lan. Do đó, để hạn chế lan bị cỏ dại, sên nhớt, nấm khuẩn, nấm trắng ký sinh... tấn công thì bạn cần xử lý giá thể đều đặn và kỹ lưỡng.
Jack - Hoa Lan Long An
Trích nguồn: Rosava